"
Do đó, việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là một vấn đề cần thiết để chính cộng đồng, người dân tổ chức, quản lý và làm chủ nhằm đem lại lợi ích kinh tế thông qua hoạt động du lịch.
Đồng báo Thái ở xã Ea Pô vẫn còn duy trì quay tơ dệt vải |
Theo Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông (Ban quản lý) , hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có một mô hình du lịch cộng đồng nào được xây dựng, khai thác hiệu quả. Qua thực tế nghiên cứu và sự tư vấn của các chuyên gia, Ban quản lý đã chọn xã Ea Pô làm thí điểm xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đây là địa phương hội đủ các yếu tố về địa chất, địa mạo, văn hóa và đa dạng sinh học để phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với công viên địa chất.
Cụ thể, xã Ea Pô là địa bàn phân bố các hóa thạch Cúc đá (ammonit) rộng hàng ngàn héc ta, chủ yếu ở các thôn Nam Tiến, Nhà Đèn, Suối Tre và các thôn lân cận của xã Đắk Wil. Đặc biệt, tại khu vực suối Công Nhân ở thôn Nam Tiến, có thể quan sát được các vết lộ tự nhiên chứa hóa thạch Cúc đá ở hai bên bờ và dưới lòng suối. Hóa thạch Cúc đá và hai mảnh vỏ ở đây được các nhà khoa học nhận định có kích thước lớn nhất Việt Nam.
Đồng bào Thái ở xã Ea Pô thực nghiệm nghề dệt thổ cẩm tại Không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam |
Ngoài các hóa thạch Cúc đá, xã Ea Pô còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc mà đa phần là dân tộc Thái (746 hộ với 3.149 nhân khẩu). Đây là cộng đồng dân tộc còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, giàu bản sắc. Sự phong phú và độc đáo trong văn hóa dân tộc Thái được biểu hiện trong mọi mặt của đời sống hàng ngày từ trang phục, nhà ở, ẩm thực đến lao động sản xuất và các nghi thức, lễ hội.
Hiện tại, đồng bào xã Ea Pô còn có nghề dệt thổ cẩm truyền thống với các sản phẩm chăn, gối, địu, quần áo, khăn, túi xách… nên rất phù hợp cho việc gắn kết với hoạt động du lịch cộng đồng. Xã còn có đội ngũ nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống, hiện vẫn thường xuyên thực hiện truyền nghề cho lớp trẻ.
Trang phục truyền thống luôn được người Thái gìn giữ |
Dựa trên kết quả nghiên cứu và khảo sát thực tế, Ban quản lý lập Đề án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông tại xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk nông” và đã được phê duyệt.
Trên tinh thần đó, với chức năng và nhiệm vụ của mình, hiện tại Ban quản lý đã và đang phối hợp với UBND xã Ea Pô điều tra, phân tích tình hình, đánh giá tiềm năng và xây dựng các phương án phát triển du lịch cộng đồng tại địa bàn xã.
Cồng chiêng người Thái |
Đồng thời, Ban quản lý hỗ trợ, hướng dẫn bà con xúc tiến các bước cần thiết như xây dựng quy chế hoạt động của ban quản lý du lịch cộng đồng; nội quy về hoạt động du lịch cộng đồng; xây dựng chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ khách tham quan; thiết kế các sản phẩm lưu niệm từ nghề dệt thổ cẩm để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách…
Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, nếu xây dựng thành công, mô hình du lịch cộng đồng tại xã Ea Pô sẽ tạo động lực, thúc đẩy các địa phương khác phát triển du lịch cộng đồng trong vùng công viên địa chất và giới thiệu rộng rãi tới các đoàn khách đến tham quan, công tác tại tỉnh.
Bài, ảnh: Gia Bình
Nguồn tin: Báo Đắk Nông Online
Ý kiến bạn đọc